Monday, February 16, 2009

Thư cho cháu chưa gặp bao giờ

Vớ được cái thư thấy cũng làm mình chạnh lòng, bạn bè đọc chơi cho vui:
===========
Chào cháu Đ, và các cháu thương ở miền Bắc,
Bác (không biết bác có xưng hô đúng cách không) rất vui vì được thư cháu Đ. Và vui hơn nữa vì cháu lên tiếng nhờ cậy bác một chút. Hạnh phúc của cuộc sống là thấy mình được người khác cần mình cháu ạ.
Thú thật, bác phải xin lỗi vì không thể nhớ hết tên tuổi thứ bậc của họ hàng mình ở Bắc. Ai chuyện trò với bác thì bác biết và nhớ. Bác lại không bao giờ có dịp thăm Nam Định hay Hà Nội hay bất cứ vùng nào của quê hương miền Bắc đau khổ của bác. Thế nên có lẽ bác nhờ cháu, cũng là để luyện tập cho cháu và các cháu khác, viết nhiều nhiều về chính các cháu. Trước tiên là giới thiệu cho bác cây gia phả nhà ta, dựa trên vài điểm mấu chốt là ông bà K, bác K, bác K (là những người bác đã gặp). À bác có biết cả cái Y ở nhà bác K cháu, và anh Ẩ. Thứ đến, các cháu viết về chuyện hàng ngày của mình: làm việc học tập ra sao, chơi với ai, môi trường sinh sống thế nào và đặc biệt là bản thân mình thấy gì, nghĩ gì về thế giới xung quanh, từ cái nơi ở đến thành phố lân cận đã đi qua, những gì mình biết qua truyền hình sách báo. Và đặc biệt cho bác biết hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình nhỏ theo cách nhìn của cháu, nhưng phải ráng làm sao cho bác hiểu. Nhớ là bác là người Sài Gòn, rồi là "Việt Kiều", là người không có tí khái niệm gì về hoàn cảnh sống ở thôn quê, nhất là thôn quê Bắc Việt. Nói thế tức là cháu sẽ phải viết đều đều trong cả năm trời đấy.
Còn chuyện nước Mỹ, sau gần 4 năm sống ở đây, bác cũng mới chỉ là thằng mù sờ voi, mà không chắc là đã "sờ" được voi chưa, nên có lẽ những gì bác nói về nước Mỹ sẽ làm người ta cười. Chỉ chắc một điều: đây là một xứ sở của đạo đức (tin thờ Thiên Chúa) và tình người. Và vì biết sống bằng tình yêu thương lẫn nhau và tin vào Thiên Chúa, họ gặt hái được thành công và xây dựng được một đất nước hạnh phúc. Những chuyện xấu thì cũng có nhưng không nhiều, báo chí hay lấy chuyện giựt gân làm mồi câu khách thôi. Có khi một tin dữ (chết, cháy gì đó) được bàn đến suốt trong cả tuần lễ (vì ít tin quá). Nhưng qua các bản tin thuộc loại câu khách này, ta lại thấy được một điều là người Mỹ cư xử rất chan hòa và đầy lòng tha thứ đồng thời thấy được rằng họ lập được một nhà nước của họ, biết lo cho dân.
Bác sẽ kể cho cháu và các cháu khác nhiều nếu như các cháu thực sự quan tâm và thực sự muốn chứng tỏ chính mình qua cách viết văn, cách dùng máy vi tính, qua thông tin cung cấp cho các bác ở bên này về họ hàng ta.
Tiêu chuẩn "chấm điểm" của bác cho các "bài văn" của các cháu:
1- Dài (nhiều ý),
2- Văn mạch lạc (dễ hiều), không chơi kiểu gạch đầu dòng hay câu cụt.
3- Chính tả
4- Khiêm cung, lịch sự (khi nói về người khác, chứ bác tin rằng các cháu rất lễ phép với bề trên.)
Bác không phải giáo viên dạy văn nhưng với tuổi đời và số sách vở đã đọc, giáo viên dạy văn cấp 3 chắc cũng phải học tập với bác ở một số lãnh vực đấy. Xấc một tí để các cháu hiểu cái tính ngông của bác mà viết thư.
Thôi, thế cũng tạm đủ cho lá thư đầu. Cháu Đ hãy forward thư này đến các cháu khác mà cháu có địa chỉ email, bảo rằng bác P muốn liên lạc và bày trò chơi văn chương với các cháu nhỏ trong tông tộc nhà ta còn trụ lại ở quê tổ.
Chúc các cháu vui, ngày càng thông minh tấn tới, xứng đáng với những hy sinh lo lắng của ông bà cha mẹ cho các cháu.
Bác P

No comments: